Tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, người dân dần thoát nghèo
Người dân khó khăn được Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn nhằm phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Vốn ưu đãi giúp thoát nghèo
Chị Y Liễu (37 tuổi, thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) trước kia thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Cuộc sống chạy ăn từng bữa nên gia đình chị chẳng có của dư.
Được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ nên gia đình chị vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng cao su, mì và chăn nuôi bò. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực vượt khó, năm 2020 gia đình chị chính thức thoát nghèo.
Không muốn cuộc sống chỉ đủ ăn, chị Y Liễu mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua đất trồng cao su và nuôi thêm dê. Hiện nay gia đình chị sở hữu khoảng 3ha cao su, 3ha mì với nguồn thu nhập ổn định.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chị Liễu luôn giúp đỡ, vận động hội viên vay vốn tín dụng chính sách để làm ăn. Hiện nay tổ có 34 hội viên vay vốn với dư nợ hơn 2 tỷ đồng, trong đó chỉ còn 4 hộ nghèo.
Ông Nguyễn Bá Phương – Giám đốc NHCSXH huyện Kon Rẫy cho biết: Tín dụng chính sách trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, giúp người nghèo có điều kiện vươn lên.
Theo ông Phương, hiện nay ngoài các chương trình cho vay thường xuyên, NHCSXH huyện Kon Rẫy còn tích cực, chủ động triển khai các chính sách cho vay mở rộng khác theo chương trình, dự án của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương.
Thông qua việc triển khai cho vay đã giúp chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn không ngừng nâng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số cho vay đạt 59,7 tỷ đồng với 1.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh 505 hộ, xây dựng và sửa chữa 492 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; 207 hộ vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Phụ nữ làm chủ kinh tế
Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn 1, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, Kon Tum) cũng từng là hộ nghèo, phải chật vật mưu sinh. Đến năm 2013, chị Hiền được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Dal cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ nghèo. Có vốn, vợ chồng chị Hiền đầu tư mua giống trồng 2ha cà phê và một số loại cây trồng ngắn ngày.
Để nâng cao kinh nghiệm, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chị Hiền tham gia các lớp tập huấn về khoa học – kỹ thuật. Với những cố gắng, nỗ lực của mình, giờ đây gia đình chị Hiền đã thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất khá, giỏi tại địa phương. Chị Hiền đang sở hữu đàn bò trị giá gần 500 triệu đồng và thu nhập từ 2ha cà phê đạt 100 triệu đồng/năm nên được nhiều phụ nữ trong làng đến học tập.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Chuyên – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khối phố 2 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) cho biết, các hội viên luôn được tạo điều kiện để vay nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, bản thân bà luôn tích cực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của NHCSXH huyện, các cấp Hội tổ chức. Từ đó nắm vững các quy trình, nghiệp vụ trong ủy thác cho vay để hỗ trợ tốt nhất cho hội viên. Tổ hiện có dư nợ gần 2,45 tỷ đồng cho vay các chương trình như: vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay hỗ trợ việc làm, mở rộng việc làm…
NHCSXH tỉnh Kon Tum cho hay, phụ nữ là những người yếu thế, cần sự hỗ trợ đặc biệt để vươn lên trong cuộc sống, tạo sự bình đẳng trong xã hội. Do đó, những năm qua, NHCSXH tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên giải ngân các nguồn vốn để hỗ trợ cho phụ nữ thuộc các tổ chức chính trị – xã hội, phụ nữ yếu thế, sinh sống tại khu vực nông thôn… Cụ thể, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Theo đó, NHCSXH tỉnh đã thực hiện ký kết các văn bản liên tịch, phối hợp cùng với các cấp Hội phụ nữ để triển khai cho vay các nguồn vốn chính sách đảm bảo hiệu quả…
Thời gian tới NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngày càng nhiều phụ nữ tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó giúp bà con vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tạo sự bình đẳng trong đời sống xã hội, tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.