TP. Hồ Chí Minh tập trung xây dựng 8 trung tâm logistics đến năm 2030
Với mục tiêu sớm trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ kết nối với các trung tâm kinh tế. Trong đó chú trọng triển khai 08 dự án xây dựng trung tâm logistics trên địa bàn.
UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ Đông Nam Á
Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2030 phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối. Phấn đấu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của Vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tầm nhìn đến năm 2045 phát triển logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao của TP. Hồ Chí Minh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở chủ động xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, tích hợp, tối ưu hóa và quản lý hiệu quả để nâng cao khả năng linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường. Phấn đấu phát triển Thành phố trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Mục tiêu cụ thể về logistics, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của TP. Hồ Chí Minh trên 8,5%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp Thành phố từ 15%-20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 12% – 15%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 45 trở lên.
Phấn đấu đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 12%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh từ 10%-12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics trên 70%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10% – 12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 30 trở lên.
Tập trung triển khai xây dựng 08 trung tâm logistics
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, Kế hoạch xác định các nhóm giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước; phát triển hạ tầng logistics; phát triển đồng bộ hệ thống trung tâm logistics; nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển; huy động và tăng cường vốn đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong đó, đáng chú ý là TP. HCM sẽ tập trung công tác triển khai 08 dự án xây dựng trung tâm logistics theo Quyết định số 4432/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2020 của UBND Thành phố về phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai Dự án Trung tâm logistics Cát Lái (Thành phố Thủ Đức) có chức năng thương mại – logistics quốc tế, nguồn hàng từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 01 triển khai tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức, quy mô dự kiến 60-100 ha, năng lực thông quan 3.100.000 3.500.000 TEU; Giai đoạn 02 triển khai tại phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức; quy mô dự kiến 26 ha; năng lực thông qua 800.000 TEU.
Xây dựng Dự án Trung tâm logistics Linh Trung tại phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức. Theo đó, quy mô dự kiến 40-50 ha và năng lực thông quan 480.000 520.000 TEU, định hướng sẽ trở thành trung tâm xuất nhập khẩu, kết hợp với phát triển ga cảng hàng không nối dài, phân phối hàng xuất nhập khẩu (hàng không) từ khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Xây dựng Dự án Trung tâm logistics Long Bình tại phường Long Bình, Thành phố Thủ Đức, gắn với quy hoạch cụm cảng trung chuyển – cảng cạn Long Bình, cảng thủy nội địa Long Bình. Theo đó, quy mô dự kiến 50 ha và năng lực thông quan 750.000-800.000 TEU, định hướng chức năng là trung tâm trung chuyển hàng xuất nhập khẩu đến cụm cảng Cái Mép, từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ (tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) và Tây Nguyên.
Phát triển Dự án Cảng Cạn – Trung tâm logistics Khu công nghệ cao tại Lô PO, Đường D18, Khu Công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức, quy mô dự kiến 5-6 ha, năng lực thông quan 60.000 TEU/năm, định hướng chức năng ICD bổ sung phát triển các dịch vụ ga cảng hàng không nối dài, chủ yếu nguồn hàng từ khu công nghệ cao và khu vực lân cận như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Phát triển Dự án Trung tâm logistics Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, gắn với quy hoạch cảng cạn Tân Kiên. Theo đó, quy mô dự kiến 60 ha, năng lực thông qua 450.000-500.000 TEU, định hướng là trung tâm phân phối hàng nội địa, tập trung phục vụ hàng lạnh, hàng nông thủy sản từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng Dự án Trung tâm logistics Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, quy mô dự kiến 100 ha, năng lực thông quan 1.430.000-1.600.000 TEU, định hướng là trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử, hàng nội địa, nguồn hàng từ các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố và các khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ.
Xây dựng Dự án Trung tâm logistics Củ Chi tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, gắn với quy hoạch cảng cạn Củ Chi, cảng thủy nội địa Củ Chi. Theo đó, quy mô dự kiến 10-15 ha, năng lực thông quan 282.150-319.770 TEU, định hướng là trung tâm chuyển hàng đến cảng Thành phố và Cái Mép, nguồn hàng từ khu vực các khu công nghiệp phía Bắc Thành phố và một số khu vực lân cận như: Bình Dương, Bình Phước.
Giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Xây dựng Dự án Trung tâm logistics Tân Hiệp tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, gắn với quy hoạch cảng cạn Hóc Môn. Theo đó, quy mô dự kiến 150 ha, năng lực thông quan 1.500.000-1.600.000 TEU, với định hướng là trung tâm chuyển hàng đến cảng TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép, nguồn hàng từ khu vực các khu công nghiệp phía Bắc TP. Hồ Chí Minh và một số khu vực lận cận như tỉnh Long An, Tây Ninh.
Phát triển Dự án Trung tâm logistics Bình Khánh tại Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Theo đó, quy mô gắn với Khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động cảng có diện tích khoảng 116 ha, năng lực thông quan 250.000-300.000 TEU, định hướng là trung tâm chuyển hàng đến cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, nguồn hàng từ khu vực các khu công nghiệp của Thành phố và một số khu vực lận cận như tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.