Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất tuabin gió
Theo một báo cáo được công bố gần đây của BloombergNEF, các nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc không chỉ thể hiện sức mạnh của mình ở thị trường trong nước mà còn mở rộng sang thị trường nước ngoài.
Theo báo cáo Thị phần Tua bin Gió Toàn cầu năm 2023 từ nhà nghiên cứu BloombergNEF, các công ty sản xuất tuabin gió Trung Quốc đã có mặt tại 20 thị trường nước ngoài vào năm ngoái, bao gồm 5 quốc gia thành viên EU, gần gấp ba lần số lượng thị trường so với năm 2018.
Báo cáo cho biết những tiến bộ công nghệ dẫn đến giá tuabin giảm mạnh đã tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc mở rộng xuất khẩu. Giá tuabin gió do Trung Quốc sản xuất thấp hơn 20% so với giá của các công ty Mỹ và châu Âu.
Hiện Trung Quốc chiếm 2/3 công suất xây dựng toàn cầu, trong khi Mỹ là thị trường lớn thứ hai, thứ ba là các nước châu Âu.
Theo BloombergNEF, trong số 10 công ty cung cấp tuabin hàng đầu trên toàn thế giới vào năm ngoái, có 6 công ty là Trung Quốc, đã vận hành 65,1 gW trên tổng công suất 118 gW được đưa vào vận hành vào năm 2023. Trong đó, nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất Trung Quốc là Xinjiang Goldwind Science & Technology Co Ltd với 748 megawatt, theo sau là Envision với 561 mW.
Cristian Dinca, nhà phân tích gió tại BloombergNEF và là tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi các nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc thống trị top 5 trong bảng xếp hạng của chúng tôi, khi việc xây dựng các dự án điện gió quy mô gigawatt đã khiến công suất lắp đặt tăng vọt vào năm ngoái”.
Theo Qin Haiyan, tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng gió Trung Quốc, các chính sách công nghiệp hỗ trợ đã đóng vai trò then chốt trong sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng gió của Trung Quốc trong vài năm qua, đưa nước này trở thành nước dẫn đầu thế giới về công suất năng lượng tái tạo và tiến bộ kỹ thuật.
Ông cho biết, năng lượng gió không chỉ “xanh” mà còn rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, bao gồm cả than đá, khiến nó trở thành một lựa chọn được ưu tiên. Lĩnh vực này sẽ nắm bắt các cơ hội phát triển lớn trong bối cảnh Trung Quốc cam kết đạt được đỉnh carbon trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.
Theo BloombergNEF, Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất thế giới về công suất gió ngoài khơi với 7,6 gW chiếm hơn 2/3 tổng công suất toàn cầu vào năm 2023.
Nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc Mingyang Smart Energy Group đã tăng gấp đôi công suất lắp đặt hàng năm lên gần 3 gW vào năm 2023, lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp tuabin trên biển lớn nhất toàn cầu.
Endri Lico, nhà phân tích chính về chuỗi cung ứng và công nghệ gió toàn cầu tại Wood Mackenzie cho biết, sự phát triển công nghệ tuabin gió đang phân hóa nhanh chóng giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Theo Wood Mackenzie, công suất tuabin ngoài khơi trung bình ở Trung Quốc đã vượt qua châu Âu vào năm 2023 với công suất lần lượt là 9,5 mW và 9,4 mW, trong khi ở trên đất liền, các OEM Trung Quốc đã vượt qua các đối thủ phương Tây khi lắp đặt công suất lần lượt là 5,4 mW so với 5,1 mW.
Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, công suất gió ngoài khơi tích lũy của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, từ 30,5 gW vào cuối năm 2022 lên hơn 60 gW.