tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Tự lái xe băng thảo nguyên, phượt xuyên châu lục

Vì đam mê, nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để tự mình cầm lái ô tô khám phá những miền đất mới, với quãng đường lên tới hàng chục nghìn km.

Ước mơ xuyên sa mạc

Trải rộng trên khu vực phía Nam Mông Cổ và Bắc – Tây Bắc Trung Quốc, Gobi là sa mạc lớn nhất châu Á và thứ 5 trên thế giới với diện tích khoảng 1.295.000km2 – gấp gần bốn lần diện tích Việt Nam. 

Tự lái xe băng thảo nguyên, phượt xuyên châu lục- Ảnh 1.

Chiếc Porsche 911 Dakar lội nước để tới sa mạc Gobi.

Sa mạc Gobi có địa hình đa dạng, từ những cánh đồng cát mịn màng đến vùng núi đồi hoang sơ. Điều kiện thời tiết nơi đây thuộc diện khắc nghiệt nhất thế giới, cực kỳ nóng trong những tháng hè, nhưng cũng lạnh thấu xương vào mùa đông.

Tự mình lái xe vượt hàng chục nghìn cây số từ Việt Nam để đến một vùng hoang mạc như thế, chắc hẳn không nhiều người nghĩ tới. Nhưng cuối tháng 9/2023, một doanh nhân Việt ngoài 50 tuổi cùng người bạn đồng hành là chiếc ô tô mới mua trị giá hơn 15 tỷ đồng, đã bắt đầu một hành trình như thế.

Đó là anh Nguyễn Hoàng Anh, chủ một doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM, người đầu tiên tại Việt Nam sở hữu chiếc Porsche 911 Dakar, biến thể đặc biệt của mẫu xe thể thao hai cửa huyền thoại (chỉ 2.500 chiếc được sản xuất trên toàn cầu).

Anh Hoàng Anh kể đã trải qua hành trình xuyên Việt Nam – Trung Quốc – Mông Cổ với tổng quãng đường hơn 33.000km, kéo dài 75 ngày để tới sa mạc Gobi.

“Ý tưởng nhen nhóm từ năm 2018, khi tôi có chuyến đi tới Trung Quốc và thấy hạ tầng giao thông rất phát triển. Tôi thầm ước sẽ có dịp cầm lái một chiếc xe thể thao trên những cung đường tuyệt đẹp này. Sao mình không làm một chuyến đi dài qua sa mạc?”, anh Hoàng Anh nhớ lại.

Cuối năm 2022, Porsche chính thức giới thiệu 911 Dakar trên toàn cầu. Đầu tháng 6/2023, chiếc 911 Dakar đầu tiên cập bến Việt Nam, chủ nhân chính là anh Hoàng Anh.

Thử thách cả thể lực và tinh thần

Hơn hai tháng vượt dặm trường để tới vùng hoang mạc, nhóm của anh Hoàng Anh trải qua không ít khó khăn, căng thẳng và cả những sự cố, mà sóng gió nhất là chặng đi vào Mông Cổ.

Tự lái xe băng thảo nguyên, phượt xuyên châu lục- Ảnh 3.

Chiếc Porsche 911 Dakar vượt tuyết trắng, băng đường mòn để tới sa mạc Gobi

“Trên hành trình, có tới khoảng 500km không có đường nhựa, đoàn phải chạy trên đường mòn hay thảo nguyên. Có hôm đi vào một ngôi làng nuôi đại bàng, xe cán qua đá bị thủng cả hai lốp xe.

Những ngày mò mẫm trong đêm tối trên đường núi hiểm trở chạy dọc biên giới Mông Cổ – Nga, hay vượt qua hàng trăm km băng tuyết trơn trượt phủ trắng đường ở Nội Mông, cũng là thử thách thực sự về cả thể lực và tinh thần”, anh kể.

Theo anh, không đơn thuần là vấn đề kinh phí, hành trình xuyên châu lục trên xe bốn bánh còn đòi hỏi rất nhiều sức khỏe và thời gian. Đam mê là nguồn động lực lớn nhất và duy nhất để anh thực hiện những chuyến phượt dài và nhiều trắc trở như vậy.

Xuyên Đông Dương bằng xe điện

Ô tô điện dần trở nên phổ biến tại Việt Nam và những chuyến đi xuyên Việt bằng loại xe này được thực hiện ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, lái xe vượt chặng đường hàng nghìn km để đến những quốc gia mà hạ tầng ô tô điện ít phát triển lại là câu chuyện khác.

Đó là hành trình mà anh Phùng Thế Trọng (Hà Nội) cùng một số chủ xe điện VinFast đã thực hiện. Chuyến đi qua ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia dài hơn 6.000km trong gần 30 ngày.

Anh Trọng cho biết, nhóm có 8 người, cầm lái ba chiếc xe điện gồm VF 5 Plus, VF 8 và VF 9. Khởi hành từ Hà Nội ngày 11/4. Nhóm đi lên vùng Tây Bắc và nhập cảnh Lào ở cửa khẩu Tây Trang, sau đó qua các địa danh nổi tiếng như Luang Prabang, Pakse và tham gia Tết té nước Bunpimay.

Tiếp đến ở Campuchia, nhóm ghé thăm cố đô Siem Riep, đền Angkor Wat rồi trở lại Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang). Cuối cùng là hành trình xuyên Việt từ TP.HCM về Hà Nội.

“Để chuẩn bị cho chuyến đi, nhóm phải tính toán kỹ lộ trình và tìm điểm dừng sạc phù hợp theo thông tin có được từ các ứng dụng, sau đó nhờ người quen ở Lào và Campuchia kiểm tra xem thực tế ra sao. Với xe điện, điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu là phải đảm bảo hành trình có tính khả thi”, anh Trọng nói.

Chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, nhưng nhóm vẫn gặp không ít khó khăn khi sạc xe, đặc biệt khi đến Campuchia – đất nước hiện chỉ có chưa đến 1.000 chiếc ô tô điện và khoảng 20 trạm sạc trên toàn quốc. Có lúc, phải đi cả vài trăm cây số, qua hai, ba trạm “ảo” mới tìm được một chỗ để sạc.

Khi đến Lào lại trùng vào thời điểm Tết Bunpimay, các dịch vụ liên kết với ngân hàng quốc tế tạm dừng hoạt động. Vì vậy ứng dụng trạm sạc đã có, tài khoản đã lập nhưng không thể nạp tiền để sử dụng. May mắn là nhóm được sự hỗ trợ từ những người Việt đang sinh sống tại đây.

“Đặc trưng của Tết Bunpimay là tục lệ té nước, cũng là lễ hội lớn nhất và đông vui nhất ở Lào. Trải nghiệm ngồi quán vỉa hè trong bộ dạng ướt từ đầu đến chân, thỉnh thoảng lại có “may mắn” bất ngờ đổ ào vào người thực sự rất thú vị”, anh Trọng nhớ lại.

Cầm lái ô tô điện cũng là một hình thức du lịch tiết kiệm. Theo anh Trọng, tính tổng các khoản gồm ăn, ở, vui chơi, sạc xe và các loại phát sinh, trung bình mỗi người chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Theo những người có kinh nghiệm tự du lịch bằng ô tô, ý tưởng của hành trình là điều quan trọng nhất. Cần xác định rõ bản thân muốn đi đâu, làm gì rồi mới lên lộ trình, tìm hiểu trước thông tin và các phương án hỗ trợ ở điểm đến.

Bạn đồng hành cũng là yếu tố then chốt, tốt nhất nên là những người đã quen thân, bởi đi đường dài với người lạ có thể nảy sinh mâu thuẫn do khác biệt về sở thích, nhu cầu.

Tứ Đức -

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích