Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đấu thầu vàng miếng?

Nhiều doanh nghiệp vàng cho biết họ sẽ chỉ quan sát chứ không dám mạnh tay vì mức giá sàn gần bằng mức giá mua vào từ thị trường.

Mức giá tham chiếu khá cao

Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng phiên đấu thầu đầu tiên có thể là phiên thăm dò thị trường, song với mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng đưa ra cũng khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc.

Nhiều công ty vàng sẽ chỉ quan sát chứ không dám mạnh tay vì mức giá sàn gần bằng mức giá mua vào từ thị trường, trong khi ở đây là mua sỉ (tối thiểu là 1.400 lượng).

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đấu thầu vàng miếng?- Ảnh 1.

Giá đặt cọc đấu thầu vàng cao khiến doanh nghiệp phải cân nhắc khi tham gia dự thầu.

Theo đại diện doanh nghiệp kinh doanh vàng này, họ sẽ phải tính toán khi mua vào giá khá cao, bán ra cho dân cách nào. Chủ yếu 70% bán sỉ, 30% còn lại mới bán lẻ, thông thường nếu không có đầu ra họ không dám mua.

Đại diện công ty kinh doanh vàng khác cũng cho biết những ngày gần đây giá vàng thế giới biến động trong biên độ rất rộng nên khi họ tham gia đấu thầu sẽ phải rất cân não. Nếu xuống nhanh thì những đơn vị trúng thầu giá cao sẽ lỗ.

“Mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng gần bằng mức sàn mua vào của giá vàng hiện nay nên chúng tôi phải tính đến phương án bán ra được hay không mới dám thực hiện đấu thầu”, đại điện công ty này cho hay.

Chung nhận định, lãnh đạo một nhà băng đánh giá việc tăng nguồn cung sẽ giảm được biên độ chênh lệch vàng miếng và thế giới. Biên độ được thu hẹp bao nhiêu tùy thuộc vào số lượng cung ra thị trường. Tuy nhiên, việc kéo kim loại quý này về sát với thế giới là bài toán bất khả thi, nếu chỉ trông đợi vào tăng cung qua đấu thầu.

Lúc 9h sáng nay 22/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên sau hơn 11 năm dự kiến tổ chức vào 10h nhằm tăng nguồn cung ra thị trường đã bị huỷ.

Đại diện NHNN cho biết do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu này chuyển sang ngày mai (23/4).

Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng với khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng, giảm từ mốc 81,8 triệu đồng/lượng trong thông báo trước đó.

“Khối lượng đấu thầu 16.800 lượng là không ít”

Ngân hàng Nhà nước không công bố số liệu về lượng dự trữ vàng quốc gia. Còn theo đơn vị cung cấp dữ liệu CEIC, dự trữ này của Việt Nam tính tới tháng 11/2023 là khoảng 660 triệu USD, chiếm khoảng 0,7% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Theo đó, việc sử dụng vàng trong kho, theo lãnh đạo một nhà băng, sẽ là lựa chọn hợp lý so với phương án cấp phép nhập khẩu, tránh tạo áp lực lên tỷ giá.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng khối lượng đấu thầu 16.800 lượng, tương ứng 630kg vàng, là không ít.

Theo ông Khánh, giá vàng trên thị trường mấy hôm nay bất động cũng là chờ mức giá tham chiếu trong phiên đấu thầu. Giá vàng trên thị trường sẽ phụ thuộc vào mức giá tham chiếu mà NHNN công bố đấu thầu. 

Ông Khánh cho rằng, còn một ẩn số khó lường tác động đến giá vàng là lực bán ra từ người dân. Những ngày qua, thông tin đấu thầu vàng đưa ra nhưng nhiều người vẫn chờ đợi diễn biến mới.

“Sau khi kết thúc đấu thầu, thị trường sẽ phản ứng thực hiện bán vàng ra hay không. Những người có vàng quyết định bán ra nhiều hay ít sẽ quyết định giá điều chỉnh giảm 500.000 – 1 triệu đồng mỗi lượng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Lực bán mà mạnh thì mức giảm sẽ nhanh”, ông Khánh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương cho rằng doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng chắc chắn bỏ giá hợp lý để được trúng thầu, tất nhiên giá đó phải phù hợp giá thị trường. Vì nếu để giá cao hơn thị trường thì họ sẽ tìm mua ngoài thị trường hơn là mua ở đấu thầu.

Tuy nhiên, các ngân hàng vốn là chủ thể chính tham gia các đợt thầu năm 2013 dự kiến không phải là lực lượng chính trong các hoạt động đấu thầu sắp tới. Nguyên nhân là do giai đoạn trước, các ngân hàng được phép huy động vàng từ dân cư, do đó họ cần thanh toán trạng thái để trả lại cho dân. Nhiều năm nay, kênh huy động này bị xóa bỏ, chỉ còn lại số ít nhà băng duy trì mảng kinh doanh vàng miếng.

Một số nhà băng đủ điều kiện tham gia đấu thầu cũng cho biết họ đứng ngoài hoạt động đấu thầu. Theo họ việc đấu thầu đòi hỏi duy trì bộ phận nhân sự có chuyên môn, đào tạo về kinh doanh vàng, chưa kể việc duy trì trạng thái vàng cũng có nhiều rủi ro.

Với khối doanh nghiệp, hiện chỉ có một số đơn vị lớn như SJC, Phú Quý… tập trung vào mảng kinh doanh vàng miếng. Còn nhiều đơn vị khác trên thị trường chú trọng vào mảng trang sức, mỹ nghệ.

Hiện, kinh doanh vàng miếng co hẹp và chỉ được giao dịch tại một số doanh nghiệp lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, 26 đơn vị gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có giao dịch với họ. Trong đó, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích
Dark mode