tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Xe tự chế tung hoành, cản trở giao thông

Trong những ngày cận tết, tình hình giao thông tại TPHCM khá phức tạp. Xen lẫn trong hàng ngàn phương tiện là các xe tự chế vận chuyển hàng cồng kềnh, chạy bất chấp luật lệ khiến tình hình giao thông thêm rối ren.

Xe ba bánh bị đổ do chở hàng cồng kềnh
Xe ba bánh bị đổ do chở hàng cồng kềnh

Thấy hàng nhưng không thấy người

Mặc dù kinh tế gặp khó khăn, nhưng không vì thế mà người dân “quên” tết. Những ngày này, nhà nhà đang quét dọn, sắm sửa, mua sắm… Xen lẫn trong dòng phương tiện hối hả, người đi đường không khó nhận ra các “kiện hàng di động”. Đó là các phương tiện giao, nhận hàng từ các chợ đầu mối, sạp kinh doanh hàng sỉ. Đủ chủng loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống đến trái cây, bánh hộp, bia, nước ngọt… Do số lượng nhiều nên chủ phương tiện chất hàng cao ngất ngưởng ở phía sau và phía trước.

Ông Lê Văn Dũng, 52 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết: “Tôi khá ái ngại khi đi gần các phương tiện chở hàng hóa quá cồng kềnh. Mình đi phía sau mà không thấy lái xe đâu! Sợ nhất là hàng chất đầy ở phía trước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều khiển phương tiện. Chỉ cần chuyển hướng là tay lái sẽ cấn vào hàng hóa khiến dễ bị ngã xe, gây ảnh hưởng đến cả người vận chuyển hàng và người tham gia giao thông khác. Hiện nay, người vận chuyển hàng thường dùng băng keo để ràng buộc hàng. Trông thì có vẻ chắc chắn, nhưng với việc chở hàng chất cao như vậy, chỉ cần xe bị sụp ổ gà thì rất dễ rơi đổ hàng hóa. Thời gian qua, tôi đã chứng kiến khá nhiều vụ như vậy, mỗi lần đều xảy ra ùn tắc giao thông”.

Lâu nay, shipper (người vận chuyển hàng hóa) luôn từ chối những kiện hàng cồng kềnh. Tuy nhiên, trong thời gian cận tết, một vài shipper chấp nhận chở hàng cồng kềnh để có thêm thu nhập. Việc này dẫn đến tình hình giao thông thêm rối ren. Qua tuần tra, chốt chặn, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vận chuyển hàng hóa cồng kềnh. Tuy nhiên, do cận tết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng, mật độ lưu thông cao nên không lực lượng chức năng nào kiểm tra xuể. Vì thế, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh lại có dịp tung hoành.

Chấn chỉnh, duy trì trật tự

Trước tết, việc sửa chữa, quét dọn, trang hoàng nhà cửa khá rộn ràng. Bất kể trong thời điểm nào, người đi đường cũng dễ dàng bắt gặp xe tự chế, xe gắn máy chở vật liệu xây dựng lưu thông trên đường phố. Tole, gỗ, ống sắt, ống nhựa… được cột chằng chéo trên xe. Bà Nguyễn Phương Loan, 51 tuổi, nhà ở quận Gò Vấp, nói: “Mấy chú vận chuyển ống sắt, ống nhựa dài thậm thượt và rất nguy hiểm. Họ không bao giờ cột thêm bao ni lông hay miếng vải ở phía sau để người đi đường dễ phát hiện và tránh né. Nói thiệt, đi trước hay sau các phương tiện đó đều lo ngại. Đi sau mà thắng không kịp thì xe mình lủi vô mấy ống sắt, còn đi trước mà họ không dừng kịp thì tông vào xe mình. Do vậy, nhiều người cũng như tôi, cứ thấy mấy phương tiện đó là né xa”.

Như đã đề cập ở trên, tết là dịp mọi người dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Và sau đó, giấy vụn, thùng cạc tông, hộp nhựa, bàn, ghế nhựa cũ… được chủ nhà chất đống, gọi ve chai đến thanh lý. Người mua ve chai, đồ cũ thường sử dụng xe tự chế, xe ba gác đạp để vận chuyển những món đồ này. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu họ di chuyển trong khung giờ ít xe lưu thông.

Ông Lâm Văn Hỏi, nhà ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, kể: “Chiều qua, quốc lộ 13, đoạn hướng về ngã tư Bình Phước bị ùn tắc nghiêm trọng. Hàng trăm xe gắn máy không thể nào di chuyển bình thường và phải nhích từng chút một. Nhiều người còn cho xe lao lên lề đường khiến tình trạng giao thông diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân là do một người mua ve chai đang đẩy xe trên đường, với sắt vụn, tole bể, thùng giấy… chất đống trên xe. Hàng hóa cồng kềnh chiếm một phần đường dành cho xe gắn máy lưu thông. Người thành phố rất bao dung, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, nhưng không vì thế mà không bực mình với những trường hợp như vậy. Sao họ không đợi qua giờ cao điểm để vận chuyển mà chọn khung giờ này? Vừa cực mình mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều người khác!”.

Tại nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn số lượng lớn phương tiện xe tự chế đang hoạt động. Các loại phương tiện này bị cấm lưu thông do thiếu trang thiết bị, không đảm bảo an toàn. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy kéo, đẩy xe khác (kể cả xe tự chế) lưu thông trên đường sẽ bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Do mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm, nên dù lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nội ô, ngoại ô; đồng thời lập biên bản xử lý đối với từng trường hợp sử dụng phương tiện tự chế lưu thông trên đường, chuyên chở cồng kềnh trong những giờ cao điểm mùa giáp tết… nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.

TÍN HUY

ĐOÀN HIỆP

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích