tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

TP.HCM: Dân nóng lòng chờ di dời nhà ven kênh, rạch

Trên địa bàn TP.HCM đang có hàng chục ngàn căn nhà xập xệ, cũ nát nằm ven các con kênh, rạch, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Người dân ở đây đang nóng lòng chờ phương án giải tỏa để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Thấp thỏm sống trong nhà “ổ chuột”

Dù nắng như đổ lửa nhưng anh An (36 tuổi), nhà trên rạch Xuyên Tâm (đoạn đường Đống Đa, phường 2, quận Bình Thạnh) vẫn không dám mở cửa sổ cho thoáng.

TP.HCM: Dân nóng lòng chờ di dời nhà ven kênh, rạch
Người dân cơi nới nhà, lấn ra lòng kênh để tận dụng thêm không gian sinh hoạt.

Mỗi khi mở cửa, mùi hôi thối nồng nặc từ rạch phía sau xộc thẳng vào nhà. Cả ba thế hệ trong gia đình anh đều sinh sống trong căn nhà 15m2 trên con rạch ô nhiễm bậc nhất thành phố này.

TP.HCM hiện có các dự án cải tạo kênh, rạch như: Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa; Cải tạo kênh Hàng Bàng; Cải tạo kênh A41; Cải tạo tuyến mương Nhật Bản, kênh Hy vọng; Cải tạo rạch Bà Tiếng; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi…

Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, chủ yếu sử dụng vốn ngân sách. Dự kiến trước năm 2025, sẽ hoàn tất công tác di dời, giải phóng mặt bằng.

“Tối nào người ta cũng lên cầu (cầu liên phường 15 và phường 2) ném rác, chó, mèo, lợn chết họ cũng thẳng tay ném xuống kênh. Những ngày nắng mùi hôi từ rác, mùi xác chết động vật xộc lên, không thể nào thở nổi”, anh An bức xúc và cho biết, có nghe nói về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từ hồi còn nhỏ, đến giờ đã lấy vợ sinh con nhưng vẫn chưa thấy thực hiện.

Bà Loan, người dân sống tại trên kênh Đôi (quận 8) cho biết, bà muốn được di dời đi nơi khác ở bởi cuộc sống trên kênh rất bất tiện. Nhiều năm qua, gia đình bà sống chung với rác thải, chưa kể lâu lâu lại bị gãy cột, sập nhà, tốc mái. Mới đây nhất, cách nhà bà ở vài trăm mét, 8 căn nhà trên kênh bị cháy, hư hại hết tài sản khiến bà rất lo lắng.

“Nếu có tiền tôi đã chuyển đi nơi khác sinh sống cho con cái bớt khổ. Vì không có điều kiện nên cứ bám trụ ở đây. Nhà tôi nằm trong diện di dời, giải tỏa để cải tạo kênh, tôi rất mong chính quyền đẩy nhanh tiến độ”, bà Loan nói.

Gấp rút chuẩn bị phương án di dời

Sau khi thực hiện thành công dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, TP.HCM cũng đã lên kế hoạch để triển khai chương trình di dời nhà ven kênh, tập trung chủ yếu ở các quận 8, 4, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Người dân sống trên rác ở rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh).

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) được TP phê duyệt mức đầu tư 9.600 tỷ đồng với tuyến rạch chính dài gần 6,7km từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi). Ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh thông tin, dự án có 2.112 trường hợp bị ảnh hưởng (1.273 trường hợp giải tỏa toàn phần và 839 trường hợp giải phóng một phần). Tổng kinh phí dự toán bồi thường là khoảng 6.000 tỷ đồng.

Hiện nay, quận Bình Thạnh đang thực hiện việc xác nhận nguồn gốc, tình trạng pháp lý nhà đất và tài sản gắn liền với đất; Đồng thời, thực hiện việc thẩm tra để xác định đất điều kiện bồi thường. Dự kiến, quận sẽ chi trả tiền bồi thường từ tháng 7/2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tháng 4/2025.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang cho biết, quận có 137 trường hợp ảnh hưởng giải tỏa với tổng diện tích thu hồi gần 25.000m2, chi phí bồi thường hơn 354 tỷ đồng. Hiện, quận đã chi trả cho 12/135 trường hợp với số tiền gần 32 tỷ đồng.

Người dân sinh hoạt trong ngôi nhà chật hẹp ở trên kênh Đôi (quận 8).

Về tái định cư, quận đã chuẩn bị căn hộ tại chung cư Gia Khang (phường 14); Kiến nghị bố trí nhà ở xã hội cho các hộ không đủ điều kiện tái định cư.

Trong khi đó tại quận 8, ông Phạm Quang Tú, Phó chủ tịch UBND quận chia sẻ, trên địa bàn có khoảng 10.000 căn nhà ven kênh, rạch nằm trong diện di dời để thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị. Trong đó, dự án cải tạo, chỉnh trang bờ Nam kênh Đôi sẽ di dời khoảng 5.000 căn nhà.

Riêng đối với bờ Bắc kênh Đôi, HĐND TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường với quy mô xây dựng khoảng 4,3km kè; Mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy 20m; Xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16m và cầu Hiệp Ân 2.

Theo lãnh đạo quận 8, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã thực hiện điều tra xã hội học khu vực thực hiện dự án này. Kết quả cho thấy, có 1.571 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến khoảng 4.930 tỷ đồng. Đối với việc giải quyết việc tái định cư, đơn vị này đã đề xuất 676 quỹ nền đất và căn hộ.

Rút kinh nghiệm từ những dự án trước, quận 8 cũng xem xét, giải quyết cho thuê, mua trả góp căn hộ đối với những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư.

Về tiến độ thực hiện dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi, lãnh đạo quận 8 cho biết, trong năm 2024 sẽ thực hiện việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong năm 2025, sẽ triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và quyết toán dự án.

Cần giải pháp tổng thể

Chuyên gia đô thị Nguyễn Minh Hòa cho rằng, cần thay đổi quan điểm đối với việc giải phóng mặt bằng các hộ dân sống ven, trên kênh rạch. Các dự án này đều nhắm đến mục đích đa mục tiêu.

Người dân mong muốn được di dời đến nơi ở mới để thoát cảnh sống chật chội gần kênh, rạch.

Cụ thể, việc giải tỏa mặt bằng kênh, rạch nhằm hướng đến các mục tiêu chính là khơi thông dòng chảy, thoát nước trên kênh, rạch, chống ngập úng; Sau khi làm sạch kênh, rạch, dòng nước sạch sẽ tạo khí hậu trong lành, mát mẻ; Cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm; Làm đường giao thông hai bên bờ kênh và mục tiêu cuối cùng là sắp xếp bố cục dân cư, phân bố lại dân cư.

“Với các mục tiêu đó, thành phố cần tập trung một số tiền lớn và giải tỏa nhà dân trên kênh. Tái định cư chỉ là một trong các mục tiêu. Thay vì bỏ 1 triệu đồng chỉ để thực hiện một mục tiêu, thì hãy bỏ ra 10 triệu để giải quyết tất cả các bài toán cùng một lúc.

Nếu trả tiền đền bù cho người dân thấp quá, coi người dân lấn chiếm, không có giấy tờ nên chỉ trả cho họ một khoản tiền để rời đi thì họ không dễ chấp thuận. Khi đã thay đổi quan niệm, xác định đó là dự án đa mục tiêu thì cần có giải pháp tổng thể”, ông Hòa góp ý.

Tối 1/4, một đám cháy lớn xảy ra tại dãy nhà ven kênh đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8, TP.HCM.

Đám cháy bùng phát mạnh rồi lan nhanh sang nhiều căn nhà ven kênh Tàu Hủ. Người dân xung quanh tìm cách dập lửa nhưng không thành. Ngọn lửa bùng phát mạnh, thiêu rụi nhiều căn nhà.

Điểm cháy xuất phát từ bãi chứa vật liệu gỗ cũ phía sau nhà không số, kế nhà số 206/1/20 đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8. Tại đây chứa vật liệu dễ cháy, nhưng không có người trông coi. Vụ cháy diễn ra trong giai đoạn thời tiết nóng nhiều ngày, rất may không gây thiệt hại về người.

Phan Tư

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích