Nên trừ điểm bằng lái người vi phạm giao thông?
Tuần qua, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, một số đại biểu đã đề xuất quy định về trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo một số đại biểu, tại nhiều nước, khi tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ phạm lỗi. Khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ bị thu hồi và bị phạt hành chính.
Trong khi đó, tại Việt Nam, có nhiều trường hợp vi phạm nhưng sau đó vẫn không nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Nếu trừ điểm giấy phép lái xe người vi phạm thì có thể cải thiện tình trạng này.
Còn nhớ, từ năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm về giao thông đường bộ trên bằng lái bằng hình thức “bấm lỗ”. Nếu bằng lái bị đánh dấu 2 lần thì tài xế phải thi lại khi đổi giấy phép lái xe; Bị đánh dấu 3 lần, bằng lái hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp bằng mới.
Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Lý do là việc bấm lỗ không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái thiếu thẩm mỹ và cũng có thể phát sinh tiêu cực.
Đến năm 2020, ý tưởng quy định trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm đã được đưa vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tương ứng với 12 tháng và tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm.
Khi bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp bằng lái mới phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày bằng lái cũ hết hiệu lực. Tuy nhiên tại dự thảo mới nhất, quy định này không còn được đề cập.
Mặc dù vậy, khi thẩm tra tờ trình dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Nguyên nhân là trong điều kiện kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc ứng dụng công nghệ số xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, bao gồm việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe. Một số nước đã thực hiện việc này.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Như vậy, thời gian từ nay đến khi đó còn khá nhiều để cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm các ý kiến đóng góp.
Thật ra, với những kinh nghiệm từ những nước đã thực hiện, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu để tham khảo. Đây không phải là lĩnh vực đặc thù để phải cân nhắc về điều kiện kinh tế – xã hội, tính khả thi khi áp dụng. Đó là một giải pháp quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao trách nhiệm của người lái xe.
Với trình độ công nghệ như hiện nay, nhất là việc bằng lái đã được tích hợp vào ứng dụng VNeID, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, có thể áp dụng trừ điểm khi lái xe vi phạm, sau 3 năm liên tiếp không vi phạm thì điểm trừ đó mới được khôi phục. Nếu bị trừ về mức 0 điểm thì buộc phải học và thi lại cả lý thuyết và thực hành.
Riêng với những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như uống rượu bia lái xe, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ… thì càng phải trừ thật nặng. Hiện nay, vi phạm nồng độ cồn đã bị phạt tiền tới hàng chục triệu đồng, tước bằng lái tới 2 năm. Nhưng vẫn không ít trường hợp cố tình vi phạm.
Một khi chế tài đủ sức răn đe, người tham gia giao thông chắc chắn sẽ nâng cao ý thức.
Nhất là với những người hành nghề vận tải, việc bị trừ điểm hay tước bằng cũng đồng nghĩa với việc mưu sinh bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi ý thức được nâng lên, chắc chắn tai nạn cũng sẽ giảm.
Cứ nhìn vào việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ thấy, so với trước đây và hiện nay quả là câu chuyện một trời một vực. Khi đã quyết tâm, quyết liệt, rõ ràng câu chuyện đã rất khác. Bớt uống rượu bia lái xe cũng đồng nghĩa với nhiều vụ tai nạn đã có thể ngăn chặn ngay từ đầu.