Lại kêu gọi ‘giải cứu’!
GD&TĐ – Những năm qua, nông dân miền Trung hết kêu gọi giải cứu dưa hấu, thanh long… giờ đến lượt củ đậu – loại thực phẩm chưa bao giờ bị ế.
Nông dân vùng chuyên canh củ đậu thuộc xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi) đang cầu cứu Hội Nông dân cùng các tổ chức xã hội trong tỉnh “giải cứu” 900 tấn củ đậu trước nguy cơ đổ bỏ vì bán không được.
Củ đậu – dân miền Trung gọi là củ sắn nước, được trồng khá phổ biến ở vùng gò đồi mùa này. Toàn bộ thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch rơi đúng vào mùa mưa lũ nhưng loại củ này khá “an toàn” vì được trồng trên vùng đất cao ráo, không bị ngập nước.
Hơn nữa, mùa mưa lũ ở miền Trung luôn gây thiệt hại nặng cho các loại rau đậu nên nhu cầu về rau xanh của thị trường rất lớn. Đó chính là lý do để củ đậu không bao giờ bị ế. Thế mà năm nay, ai trồng củ đậu đều lỗ chổng vó!
Nếu như mọi năm, củ đậu vào thời điểm này có giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Mỗi hecta cho khoảng 40 tấn củ thì người trồng củ đậu cũng có của ăn của để nhưng năm nay, giá bán chỉ 1.500 đồng/kg nhưng phải là củ “mập mạp” mới bán được. Hàng trăm tấn củ đậu phơi mình trên gò đồi mà không thấy bóng dáng người mua.
Nhiều người đành phải cho bò ăn kẻo phí nhưng ăn mãi loại củ này thì bò cũng chán nên đành đào hố chôn kín để củ khỏi nứt mầm, lấy đất trồng cây khác. Tính ra, một người trồng khoảng 10 sào (5.000 m2) thì lỗ tầm 40 – 50 triệu đồng. Ba tháng trước, có người bán bò để lấy vốn trồng củ đậu, giờ bán không được, nên phải “bò” ra mà trả nợ!
Theo các hộ nông dân trồng củ đậu năm nay, lí do để loại thực phẩm này rơi vào hoàn cảnh thê thảm như vậy là vì họ không dự báo được tình hình mưa lũ quá ít như vậy(?). Các loại rau đậu không bị hư hại như những năm trước nên nhu cầu tiêu thụ loại rau củ thay thế như củ đậu không như mọi năm.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ củ đậu miền Trung chủ yếu là ở các tỉnh phía Nam nhưng năm nay, dân miền Tây cũng bắt đầu trồng loại củ này nên họ có thể “tự túc tự cấp” được, không phải ra miền Trung mua về dùng nữa.
Củ đậu là loại rau củ tưởng chừng như không bao giờ phải cầu viện “giải cứu”, thế mà rồi cũng rơi vào hoàn cảnh cùng chung số phận như nhiều loại cây trồng khác.
Điều đó nói lên rằng, công việc dự báo và định hướng cho người nông dân từ các cơ quan quản lý Nhà nước gần như không có mà gần như người nông dân hoàn toàn “tự quyết” trong việc canh tác các loại cây trồng. Làm nông mà như “đánh bạc” thế này thì phần thua là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Khác với các loại trái cây vì còn xuất khẩu hoặc chế biến thành nước hoa quả, củ đậu là loại thực phẩm ăn liền nên “tuổi thọ” của nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, công việc dự báo về tình hình tiêu thụ và giá cả cho loại rau quả này là rất cần thiết.
Đây là điều không hề đơn giản nhưng ít nhất, cơ quan quản lý cũng cần cho người nông dân một lời khuyên trước khi họ “xuống giống” bằng những dự báo dựa vào các cơ sở khoa học.