tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

TP.HCM: Hàng loạt chung cư vi phạm phòng chống cháy nổ

Một tuần trở lại đây, ông Thọ – giám đốc một công ty chuyên về quản lý, vận hành tòa nhà chung cư tại TP.HCM ráo riết tìm kiếm đối tác thực hiện việc bảo trì, khắc phục các vấn đề về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các dự án đang quản lý.

Một buổi diễn tập PCCC. Ảnh: Dũng Minh

Một buổi diễn tập PCCC. Ảnh: Dũng Minh

Theo vị này, đây cũng là dịp để ông và các cán bộ, nhân viên trong công ty bổ túc lại kiến thức cơ bản về PCCC, cũng như tìm hiểu thêm về các thiết bị PCCC mới dành cho hộ gia đình và văn phòng.

“Có những thứ mình nên biết dù mong muốn không bao giờ phải dùng tới”, vị giám đốc này nói.

Ở một diễn biến khác, Công ty Savista (Ban quản lý tòa nhà Lottery Tower, quận 5, TP.HCM) mới phối hợp tổ chức diễn tập PCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN) dành cho lực lượng chữa cháy cơ sở, từ đó kiểm tra hiệu quả trong hoạt động PCCC cùng khả năng xử lý tình huống cháy nổ, tổ chức thoát nạn của lực lượng PCCC tại tòa nhà.

Sau buổi diễn tập, đội ngũ PCCC cơ sở và nhân viên tại tòa nhà Lottery Tower đã được tuyên truyền, củng cố các kiến thức, kỹ năng PCCC nhằm nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ.

Thực tế, công tác đảm bảo PCCC luôn là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên và liên tục vì ở tất cả các phường, quận đều có cán bộ phụ trách hoặc tổ chốt trực theo dõi, giám sát lĩnh vực này.

Nghị định 136 của Chính phủ ban hành năm 2020 quy định rõ: Tòa nhà dù cao trên 7 tầng hay dưới 5 tầng, đặc biệt là những công trình vừa ở vừa kết hợp kinh doanh nhà trọ thì đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, chẳng hạn cần phải có phương án PCCC đã được phê duyệt. Thậm chí, chung cư trên 7 tầng còn phải có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản nghiệm thu về PCCC của cơ quan chức năng.

Quy định là vậy, nhưng thực tế vẫn có nhiều công trình vi phạm. Thông tin từ Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện còn 25 công trình thuộc hạng mục nhà chung cư chưa tiến hành nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động. Trong đó, có 6 chung cư ở TP. Thủ Đức, 3 chung cư ở quận Tân Phú, 2 chung cư tại quận Bình Thạnh, 2 chung cư ở Bình Tân…, cụ thể có thể kể tới là tòa nhà C chung cư Cao ốc Xanh (TP. Thủ Đức), chung cư nhà ở xã hội Cao ốc Đảo Kim Cương, tòa nhà River Park (quận 10)…

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó các công trình chưa nghiệm thu PCCC vì lý do xây sai phép, phần vì chi phí dành cho hệ thống PCCC ở một khu chung cư là rất lớn, không ít chủ đầu tư chỉ quan tâm đến đầu tư ở bước đầu như lập hồ sơ thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu…, nên hiệu quả phòng chống cháy nổ chưa cao, thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra hàng năm.

Chỉ khi có sự việc xảy ra, người dân hay các ban quản lý mới tự sắm các các loại thiết bị PCCC đang được bán tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, những sản phẩm có giá thấp lại đang thu hút số lượng người mua lớn, chẳng hạn như các loại mặt nạ chống cháy, quần áo chống cháy, dây thoát hiểm…

Theo cơ quan chức năng, việc đầu tư các thiết bị trên là cần thiết nhưng đó mới chỉ là đầu tư nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Việc đầu tư cần mang tính dài hơi, toàn diện từ khi bắt đầu lên kế hoạch xây dựng đến khi đưa vào hoạt động, sử dụng để nâng cao hiệu quả PCCC.

Chia sẻ của một số chủ đầu tư cho biết, tùy vào từng loại hình công trình và loại thiết bị mà giá lắp đặt hệ thống PCCC dao động khoảng 20.000-40.000 đồng/m2. Đối với người dân và doanh nghiệp, chi phí này không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thiệt hại các vụ cháy nổ gây ra thì thấy việc đầu tư cho hệ thống này là hoàn toàn xứng đáng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay, hệ thống các văn bản của Việt Nam đã được ban hành đầy đủ để thiết kế công trình đảm bảo PCCC như Luật Phòng cháy và chữa cháy; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD; 37 tiêu chuẩn TCVN quy định về PCCC cho nhà và các công trình với các quy định về vật liệu xây dựng, trang thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ trong công trình…, thế nhưng chưa có những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về trạm bơm nước chữa cháy với từng loại công trình. Do đó, việc đầu tư xây dựng trạm bơm vẫn mang tính “ước lệ, tượng trưng”, không bảo đảm điều kiện hoạt động, trong khi nước là một thành phần vô cùng quan trọng của công tác PCCC.

“Vì vậy, cần bổ sung và hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật này để việc triển khai trong thực tiễn được thuận lợi, tránh để kẽ hở cho các chủ đầu tư lợi dụng, không đáp ứng các yêu cầu về PCCC”, luật sư Duẩn nói.

Hải Phong

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích