tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Giải tỏa khu nhà ở tại rạch Cầu Dừa (quận 4, TPHCM): Cần thấu tình, đạt lý

Trong đơn gửi Báo SGGP, nhiều người dân ở Khu dân cư rạch Cầu Dừa (đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TPHCM) trình bày: ‘Những ngày cuối năm, khi Tết cổ truyền đang đến gần, nhiều gia đình ở Khu dân cư rạch Cầu Dừa nhận quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà để trả lại đất rạch, trái quy định, gây thiệt thòi cho người dân’.

Biên bản vi phạm hành chính… không đúng

Người dân trong khu nhà ở tại rạch Cầu Dừa đã sinh sống ổn định từ lâu, nhà cửa được xây dựng khá kiên cố, nhiều căn nhà 2 tầng khá khang trang, hiện đại. Những ngày này, hàng chục gia đình đứng ngồi không yên trước quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà của UBND quận 4 để trả lại đất rạch cho nhà nước. Người dân không tự tháo dỡ nhà sẽ bị cưỡng chế, đóng thêm tiền, còn tháo dỡ nhà thì không biết ở đâu. Kể từ khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà, anh Huỳnh Hoàng Vinh (nhà kế số 40/60/13 Nguyễn Khoái) hết sức hoang mang, lo lắng. Anh cảm thấy bất ngờ khi nhận được quyết định cưỡng chế, buộc gia đình tháo dỡ căn nhà đã sinh sống ổn định nhiều năm qua.

Anh Vinh cho biết: Ngày 13-1-2023, Tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và xây dựng (UBND quận 4) đã đến nhà lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai. Nội dung biên bản ghi: “Ngày 28-4-2020, tại nhà không số, ông Huỳnh Hoàng Vinh đã có hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị với diện tích chiếm đất dưới 0,05ha”. Dù anh Vinh trình bày gia đình anh không có hành vi chiếm đất nhưng biên bản vẫn ghi gia đình chiếm đất phi nông nghiệp, buộc gia đình tháo dỡ nhà, trả lại đất.

Giải tỏa khu nhà ở tại rạch Cầu Dừa (quận 4, TPHCM): Cần thấu tình, đạt lý
Người dân ở Khu dân cư rạch Cầu Dừa lo lắng khi căn nhà khang trang bị cưỡng chế tháo dỡ

Trong đơn gửi Báo SGGP, bà Bùi Thị Thanh Xuân, gia đình có công với cách mạng, có nhà kế số 40/60/13 Nguyễn Khoái, trình bày: Năm 2004, gia đình bà mua căn nhà của ông Lương Hoàng Vũ, diện tích 34m2, sử dụng ổn định 20 năm nay. Ngày 6-1-2023, nhân viên địa chính – xây dựng phường 2, quận 4 đến nhà, tự lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, với nội dung: “Vào ngày 28-11-2022, tại nhà không số thuộc hẻm 4C Nguyễn Khoái, bà Bùi Thị Thanh Xuân đã có hành vi vi phạm chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị với diện tích dưới 0,05ha”.

“Lúc cán bộ phường lập biên bản không cùng thời điểm vi phạm ghi trong biên bản. Cả 2 thời điểm này, tôi đều nằm ở bệnh viện, không có mặt ở nhà”, ông Nguyễn Trung Sơn, chồng bà Xuân, cho biết. Căn cứ biên bản vi phạm hành chính này, ngày 19-3-2023, UBND quận 4 ban hành Quyết định số 46/ QĐ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 30 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi bị vi phạm, trả lại phần đất đã chiếm với diện tích 28,6m2. Ngày 14-12-2023, UBND quận 4 ban hành Quyết định số 2900/QĐ cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp tháo dỡ nhà.

Người dân thiệt đơn, thiệt kép

Nhà ở của người dân không chỉ là tài sản lớn có được sau nhiều năm tích góp, mà còn là nơi sinh sống, an cư của mỗi gia đình. Những quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà của UBND quận 4 chưa thuyết phục người dân. Theo anh Huỳnh Hoàng Vinh, căn nhà của gia đình có quy mô 1 trệt 1 lầu, diện tích 27,39m2, được gia đình mua của bà Võ Thị Thủy Trang từ năm 2017, với giá 700 triệu đồng. Quận cần giải tỏa nhà cửa để khơi lại dòng chảy rạch Cầu Dừa, thoát nước cho khu vực thì gia đình chấp hành, nhưng đưa ra lý do gia đình chiếm đất phi nông nghiệp để cưỡng chế tháo dỡ nhà mà không đền bù là không đúng, gây thiệt thòi cho người dân.

Ông Nguyễn Trung Sơn cho biết: “Tôi tham gia cách mạng từ năm 1964, nay đã 50 tuổi Đảng. Gia đình tôi mua căn nhà, sử dụng ổn định đến nay đã 20 năm nay. Vợ tôi không có hành vi san lấp rạch, chiếm đất, xây dựng công trình trái phép nhưng bị lập biên bản vì hành vi “chiếm đất phi nông nghiệp”. Quận không chỉ phạt 30 triệu đồng, buộc tháo dỡ nhà để trả lại phần đất, mà còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm – với số tiền trên 234 triệu đồng – là hết sức vô lý”.

Về vấn đề bức xúc của bà Bùi Thị Thanh Xuân, ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND quận 4, trả lời: Quận 4 lập, ban hành biên bản, quyết định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục là căn cứ theo Quyết định số 40/2019 ngày 20-12-2019 của UBND TPHCM về phân cấp cho các sở và UBND quận, huyện quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch… trên địa bàn TPHCM.

Rạch Cầu Dừa có trong danh mục phân cấp quản lý, nên hành vi lấn, chiếm sông, kênh, rạch bị nghiêm cấm. Theo người dân, việc UBND quận 4 quan tâm quản lý hệ thống sông, rạch, không cho lấn chiếm để giữ hệ thống thoát nước tự nhiên là hết sức cần thiết, nhưng cũng cần xem xét quá trình sử dụng đất, thời điểm xây dựng nhà khi ban hành quyết định buộc cưỡng chế tháo dỡ để tránh thiệt thòi cho người dân.

TRẦN YÊN

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích