Các cơ sở công nghiệp nông thôn đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp sản xuất
Báo cáo từ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” cho thấy, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn hoàn thiện hơn.
Theo đánh giá hoạt động phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2016 – 2021 từ báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” do Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 – Cục Công Thương địa phương thực hiện cho thấy: Các cơ sở công nghiệp nông thôn đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn hoàn thiện hơn.
Cụ thể, năm 2021 các cơ sở công nghiệp nông thôn khảo sát đang có bình quân khoảng 17 tỷ đồng tổng tài sản và nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp có nguồn vốn bình quân là 30 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh là 20 tỷ đồng, HTX là 2 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhóm sản phẩm Thủ công mỹ nghệ có tổng đầu tư tài sản và nguồn vốn lớn nhất với mức bình quân là 79 tỷ đồng/cơ sở.
Các cơ sở công nghiệp nông thôn đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn hoàn thiện hơn
Ngoài ra, theo số liệu khảo sát, doanh thu bình quân của các cơ sở công nghiệp nông thôn năm 2021 đạt 2,054 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chiếm khoảng 45%. Tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được khảo sát năm 2021 bình quân đạt 28,2%.
Nhìn chung, doanh thu năm 2021 của các cơ sở công nghiệp nông thôn bị giảm đi khoảng 17% so với trước khi công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó giảm mạnh nhất là doanh thu của các doanh nghiệp (giảm bình quân 31%), tiếp đến là doanh thu của HTX (giảm 11,85%). Doanh thu của nhóm chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhất với mức giảm là 6,67%. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có mức tăng trưởng 34,2% về doanh thu so với trước khi được công nhận.
Bên cạnh đó, quy mô vùng nguyên liệu đầu vào của các cơ sở công nghiệp nông thôn đang có xu hướng được mở rộng, có 55% số cơ sở khảo sát đang mở rộng sản xuất quy mô vùng nguyên liệu và chỉ có 6,7% số cơ sở khảo sát giảm quy mô vùng nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lực lượng lao động tại các cơ sở được khảo sát là người địa phương đang chiếm trên 80% số lao động thường xuyên làm việc tại các cơ sở. Có trên 70% cơ sở vẫn ổn định là người lao động địa phương. Thay đổi mạnh mẽ nhất trong việc tăng sử dụng lao động là người địa phương là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
60% các cơ sở công nghiệp nông thôn hiện đang áp dụng công nghệ bán tự động
Hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Có khoảng 60% số Cơ sở công nghiệp nông thôn khảo sát thời gian qua đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung nhiều nhất vào nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng nhận đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cơ bản đáp ứng được các quy định. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thực phẩm, sau chế biến đang áp dụng các loại tiêu chuẩn thực hành sản xuất, chế biến như đủ điều kiện ATTP, ISO, HACCP và các tiêu chuẩn khác.
Đáng chú ý, quy trình, công nghệ áp dụng trong sản xuất đa dạng, phù hợp cho từng nhóm sản phẩm và có sự cải thiện rõ rệt sau khi tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.
Kết quả khảo sát cho thấy, đến 60% các cơ sở công nghiệp nông thôn hiện đang áp dụng công nghệ bán tự động (kết hợp giữa thủ công và máy móc hiện đại), trong đó những sản phẩm thuộc nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm là 100% áp dụng công nghệ bán tự động. Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có khoảng 66% số chủ thể sản xuất thủ công, chỉ bán tự động khoảng 34%.
Riêng Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm yêu cầu cần phải áp dụng công nghệ từ bán tự động đến hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Sản phẩm thuộc nhóm vải, may mặc gắn với truyền thống vùng miền của địa phương, của dân tộc, yêu cầu độ tỉ mỉ, chỉ áp dụng thủ công thuần túy.
Trong phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vẫn gặp những khó khăn
Bên cạnh những kết quả chính đã đạt được như trên thì trong phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vẫn gặp những khó khăn như theo số liệu thống kê, có tới 48,1% doanh nghiệp lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu của thị trường trong nước; 30,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính; 26,7% doanh nghiệp suy giảm nhu cầu từ thị trường quốc tế; 26,1% doanh nghiệp thiếu nguyên nhiên, vật liệu; 25,1% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu và 23,5% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao…
Để khắc phục những khó khăn trên, đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 kiến nghị một số giải pháp trong tâm thực hiện trong thời gian tới đó như:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Thực hiện các chính sách về vốn; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương cho sản phẩm công nghiệp nông thôn ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn ở thị trường quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn cho các cơ sở; hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn gắn với lợi thế vùng miền, làng nghề, văn hóa bản địa; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, thực hiện lồng ghép và khai thác hiệu quả nguồn lực cho Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn: Nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; Đầu tư đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, dây truyền sản xuất tiên tiến vào sản xuất; Chủ động và thường xuyên nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất; Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất và Xúc tiến thương mại các sản phẩm ….