Để xứng với tên gọi ‘cao tốc’
GD&TĐ – Theo báo cáo của ngành giao thông, đến cuối năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 1.852 km đường cao tốc.
Minh họa/INT
Theo định nghĩa được ghi trong các văn bản của ngành giao thông thì đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Cũng theo báo cáo của ngành giao thông, đến cuối năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 1.852 km đường cao tốc. Đây là kết quả của 20 năm “miệt mài” làm đường của ngành, nhất là những năm gần đây, mức độ khởi công các gói thầu đường cao tốc ngày một dày hơn trên hầu khắp cả nước.
Định nghĩa về đường cao tốc là vậy, song đối chiếu với thực tế thì không phải vậy. Hôm 6/11 vừa qua, nghị trường của Quốc hội “nóng” lên khi có một đại biểu của tỉnh Thừa Thiên – Huế nói rằng, ở địa phương của ông có hai tuyến cao tốc, một là La Sơn – Túy Loan (điểm gặp cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) và La Sơn – Cam Lộ (thuộc tỉnh Quảng Trị) nhưng cả hai tuyến này hiện chỉ có… hai làn xe, không có dải phân cách nên tốc độ tối đa chỉ… 60 km/h.
Với quy mô như thế thì tuyến được gọi là “cao tốc” này chỉ hơn đường huyện một chút mà thôi. Tốc độ 60 km/h mà cũng gọi là “cao tốc”, dù là “giai đoạn 1” thì cũng khó lọt tai lắm. Ngay cả tuyến cao tốc được xem là “mẫu” của miền Trung là Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng không đúng nghĩa là đường cao tốc.
Dù tốc độ tối đa được cho phép lên tới 120 km/h nhưng hiếm có xe nào dám chạy hết tốc độ cho phép trên toàn tuyến vì nền đường nhiều chỗ lồi lõm, nhất là những điểm giáp các mố hai bên một số cây cầu.
Đã vậy, trên toàn tuyến đường 130km ấy, không có một trạm dừng chân nào nên vô cùng bất tiện cho khách đi đường. Không “được bố trí đầy đủ trang thiết bị” như định nghĩa về đường cao tốc, song tài xế vẫn bị phạt rất nặng nếu dừng đỗ dọc đường chỉ vì một sự cố bí quá phải… đi vệ sinh!
Không chỉ riêng cao tốc trên địa bàn Thừa Thiên – Huế hoặc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà rất nhiều tuyến cao tốc hiện nay, dù được khánh thành và đưa vào sử dụng để “chào mừng” lâu rồi, song vẫn không đảm bảo các yêu cầu của một tuyến đường cao tốc. Các biển báo trên nhiều tuyến cao tốc vẫn chỉ ghi 80 km/h và không có trạm dừng chân nào trên suốt tuyến.
Điều lo ngại hiện nay đối với một số tuyến được gọi là cao tốc nhưng chỉ hai làn xe như tuyến Túy Loan – La Sơn là việc giải phóng mặt bằng. Nhiều đoạn, chủ đầu tư chỉ giải phóng mặt bằng cho hai làn xe, nay mai mở rộng thành 4 làn, lại phải “đền bù giải tỏa” vừa mất công lại vừa tốn kém chi phí phát sinh.
Trả lời chất vấn của các đại biểu chung quanh câu chuyện đường cao tốc hiện nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói rằng, dù ngân sách đã dành hơn 375 ngàn tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông nhưng mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu nên việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc trong bối cảnh nguồn lực hạn chế là rất khó khăn. Bộ trưởng cũng hứa là sẽ nâng tốc độ một số tuyến cao tốc lên 80 km/h.
Vâng, dù có nâng lên 80 km/h thì cũng không thể gọi đó là đường cao tốc được vì QL 1A, tốc độ đã là 90 km/h rồi! Đã thế, phí của các tuyến cao tốc hiện nay lại không tương xứng với chất lượng của đường.