Quý I/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 411 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm phile đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường, chiếm 80% tỷ trọng.

Tính đến hết tháng 3/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh đạt 329 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá tra nguyên con tươi/đông lạnh/khô đạt giá trị hơn 73 triệu USD, tăng 8% so với quý I/2023, chiếm 19% tỷ trọng.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra chế biến giá trị gia tăng trong 3 tháng đầu năm nay  đạt 9 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ, chiếm 2% tỷ trọng.

Giá cá tra xuất khẩu có thể tăng ít nhất 10% đến quý III/2024
Quý I/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 411 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023

Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc & Hồng Kông và Hoa Kỳ đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Quý I/2024, Trung Quốc & Hồng Kông mua từ Việt Nam hơn 305.000 USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; Hoa Kỳ nhập khẩu 599.000 USD, tăng 449% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài các thị trường lớn xuất khẩu cá tra của Việt Nam như Trung Quốc & Hồng Kông, Hoa Kỳ, EU,… thì Thái Lan, UAE, Đức là những thị trường nhỏ nhưng có nhiều tiềm năng.

Trong đó, Thái Lan là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, đồng thời liên tục đứng đầu khối ASEAN về tiêu thụ cá tra Việt Nam do những điểm chung trong khẩu vị của người châu Á. Tháng 1/2024, Việt Nam tiếp tục đứng đầu về nguồn cung cá thị trắng, chủ yếu là cá tra cho Thái Lan với hơn 3.000 tấn và bỏ xa các quốc gia khác trong cuộc đua xuất khẩu cá thị trắng vào Thái Lan.

Tại thị trường UAE, dư địa xuất khẩu cá tra Việt Nam còn nhiều, bởi 90% lượng thực phẩm tiêu  thụ tại thị trường này đến từ nhập khẩu. Mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người của UAE là 28,6 kg/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Bên cạnh đó, dân số tại UAE ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hoá nhanh, du lịch ngày càng phát triển tạo ra hàng triệu việc làm, kinh tế phát triển đều có những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Ngoài ra, thị trường Đức cũng là một trong những thị trường được khuyến cáo nên chú trọng vào sản phẩm có giá cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Trước đó, năm 2023, Đức tiêu thụ 38 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 31% so với năm 2022. Đức chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm phile đông lạnh với giá trị gần 37 triệu USD, tăng 34% so với năm 2022, chiếm 97% tỷ trọng.

Giá cá tra xuất khẩu có thể tăng ít nhất 10% đến quý III/2024
Nhiều tiềm năng cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường ngách như Thái Lan, UAE và Đức…

Mặc dù quý I/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực tuy nhiên nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. VASEP dự báo tình hình có thể tốt lên từ quý III và quý IV kéo theo xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 10% so với giá hiện tại.

VASEP đề nghị, các doanh nghiệp nên cân nhắc giá xuất khẩu hợp lý và điều chỉnh tăng dần từ 5-10% từ nay đến quý III và quý IV. Áp lực tồn kho của doanh nghiệp giảm dần sẽ là cơ hội để tăng sản xuất và thực hiện đơn hàng mới với mức giá tốt hơn.

Do tình hình xuất khẩu khó khăn từ năm 2023 nên cả người nuôi và doanh nghiệp nuôi cá đều điều chỉnh sản lượng nuôi giảm; thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến nuôi cá do đó khả năng cao nguyên liệu cá tra từ nay đến cuối năm không dồi dào.

“Doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường đảm bảo cung cầu hợp lý cho các mùa vụ tới, đồng thời thông tin đến khách hàng xu hướng nguyên liệu có thể thiếu vào giai đoạn cuối năm để định giá bán tăng dần đồng thời lưu ý những hợp đồng dài hạn.” – VASEP khuyến nghị.