Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Ngàn người đội nắng về dự Lễ hội Thống nhất non sông bên dòng Bến Hải lịch sử

Từ sáng sớm, dưới ánh nắng chói chang của đợt nắng nóng kỷ lục, hàng ngàn người dân và du khách đã đổ về khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải dự Lễ hội Thống nhất non sông.

Sáng 30/4, đông đảo người dân và du khách đội nắng đổ về Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải dự Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông và giải đua thuyền truyền thống trên dòng sông Bến Hải lịch sử.

Ngàn người đội nắng về dự Lễ hội Thống nhất non sông bên dòng Bến Hải lịch sử- Ảnh 1.

Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Kỳ đài Hiền Lương, Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương – Bến Hải, Quảng Trị sáng 30/4/2024.

Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), 52 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2024).

Chưa tới 6h sáng 30/4, dưới ánh nắng chói chang của đợt nắng nóng kỷ lục, rất đông người dân và du khách đã đổ về khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải để xúc động chứng kiến Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông và Giải đua thuyền “Thống nhất non sông” truyền thống.

Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” nhằm ôn lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang của toàn dân tộc, đồng thời tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhắc nhở mỗi một cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về trách nhiệm trong việc gìn giữ nền hòa bình mà lớp lớp cha ông đã hi sinh xương máu để giành được.

Tại buổi lễ, ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đọc diễn văn ôn lại những năm tháng chiến đấu oanh liệt, kiên cường của quân và dân Quảng Trị nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.

Người dân xúc động chứng kiến lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong tiếng nhạc Tiến quân ca oai hùng, tung bay trong gió tại Kỳ đài Hiền Lương trong Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông sáng 30/4/2024.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải hiền hòa của tỉnh Quảng Trị làm ranh giới hai miền.

Dòng sông hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc.

Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất.

Kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh thâm độc hòng đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”, biến nơi đây thành vùng đất lửa.

Vượt qua mọi đau thương mất mát, tàn khốc của cuộc chiến, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã bất khuất, kiên cường, phối hợp cùng tạo nên sức mạnh vô biên để chiến đấu và chiến thắng; bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.

Ngàn người đội nắng về dự Lễ hội Thống nhất non sông bên dòng Bến Hải lịch sử- Ảnh 2.

Các vận động viên tranh tài tại giải đua thuyền “Thống nhất non sông” 2024 trên dòng sông Bến Hải lịch sử.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng, vẻ vang ấy vẫn còn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Bến Hải – Hiền Lương đã khắc ghi vào lịch sử của dân tộc và tiềm thức nhân loại, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng hòa bình thống nhất non sông, là ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

“Hôm nay, chúng ta đoàn tụ về đây, dưới chân Kỳ đài Hiền Lương lịch sử để tham dự ngày hội Thống nhất non sông để cùng nhau chứng kiến lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong tiếng nhạc quân ca oai hùng.

Trong thời khắc thiêng liêng và xúc động này, chúng ta cùng tưởng nhớ và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Chúng ta bày tỏ sự tri ân, biết ơn vô hạn những cống hiến to lớn của các thế hệ tiền bối cách mạng đi trước. Tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chúng ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, của các gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước và các thương binh, bệnh binh, của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân”, ông Hoàng Nam nhấn mạnh.

Ngàn người đội nắng về dự Lễ hội Thống nhất non sông bên dòng Bến Hải lịch sử- Ảnh 3.

Các thuyền đua nỗ lực bứt tốc ngay sau khi xuất phát.

Ngay sau Lễ Thượng cờ, tại Bến đua thuyền bờ Bắc, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải diễn ra giải đua thuyền được tổ chức hàng năm trong Ngày hội thống nhất non sông.

Đặc biệt, giải đua thuyền truyền thống lễ hội “Thống nhất non sông” trên dòng sông Bến Hải lịch sử năm nay có sự góp mặt của gần 250 vận động viên đến từ 16 đội thuyền nam, nữ 8 huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà) và các đội đua đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An và Bình Thuận.

Tại giải đua thuyền truyền thống lễ hội “Thống nhất non sông” năm nay, các đội đua tranh tài sôi nổi ở các cự ly: 1.000m, 2.000m thuyền 12 chèo của nam; 1.000m, 2.000m thuyền 12 chèo của nữ và 2.000m thuyền 12 chèo hỗn hợp nam, nữ.

Bạn cũng có thể thích
Dark mode