Những điều có thể bạn chưa biết về NATO
GD&TĐ – Vào năm 1949, Hoa Kỳ, Canada và 10 quốc gia Tây Âu thống nhất thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.
Vào năm 1949, bốn năm sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, Hoa Kỳ, Canada và 10 quốc gia Tây Âu thống nhất thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, để hỗ trợ nhau khi một trong các thành viên bị tấn công. Từ đó đến nay, số thành viên của NATO đã tăng lên 31 quốc gia. Quá trình hoạt động của tổ chức này có những sự kiện đáng lưu ý.
Tăng cường lực lượng trong chiến tranh Triều Tiên
Giai đoạn đầu tiên của NATO không liên quan trực tiếp đến bất kỳ mối đe dọa nào đối với 12 quốc gia thành viên. Thay vào đó, nó bắt nguồn từ một cuộc chiến ủy nhiệm với Liên Xô, trong đó Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác cảm thấy có quyền can thiệp.
Sau Thế chiến thứ Hai, các nước Đồng minh đã chia bán đảo Triều Tiên dọc theo Vĩ tuyến 38, dẫn đến sự phát triển của một chính phủ liên kết với Liên Xô ở phía Bắc (Triều Tiên) và một chính phủ liên kết với Mỹ ở phía Nam (Hàn Quốc). Năm 1950, Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, châm ngòi cho cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm.
Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác đã gửi quân đến chống lại Triều Tiên. Sau đó, NATO bắt đầu sắp xếp và tổ chức cơ sở hạ tầng quân sự của mình với giả định cần phải chiến đấu chống lại các cuộc tấn công trong tương lai từ Liên Xô và các đồng minh của họ.
NATO đã thành lập một trụ sở quân sự được gọi là Trụ sở tối cao Lực lượng Đồng minh châu Âu (SHAPE), chỉ định Tư lệnh Tối cao là Dwight D. Eisenhower trong vai trò lãnh đạo.
Ngoài ra, NATO cũng thiết lập một kế hoạch phòng thủ dài hạn và tiến hành cuộc tập trận hải quân quy mô lớn đầu tiên. Vào thời điểm Chiến tranh Triều Tiên chính thức kết thúc vào năm 1953, NATO đã thiết lập một sự hiện diện quân sự quốc tế quan trọng.
Sự ra đời của Hiệp ước Warsaw
12 quốc gia thành lập NATO vào năm 1949 bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Năm 1952, NATO có thêm hai thành viên mới là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau Thế chiến thứ Hai, quân Đồng minh đã phân chia nước Đức và bắt đầu chương trình giải trừ quân bị để ngăn chặn sự gây chiến của quân đội Đức trong tương lai. Tây Đức liên minh với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia NATO khác, trong khi Đông Đức liên minh với Liên Xô.
Tuy nhiên, vào năm 1955, Tây Đức gia nhập NATO và bắt đầu tái vũ trang. Liên Xô tất nhiên không hài lòng với điều này.
Chưa đầy hai tuần sau khi Tây Đức chính thức gia nhập NATO, Liên Xô và 7 quốc gia khác ở Đông Âu đã ký Hiệp ước Warsaw. Giống như NATO, Hiệp ước Warsaw kêu gọi tất cả các bên ký kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Cùng với Liên Xô, hiệp ước bao gồm Albania, Bulgaria, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Ba Lan và Romania.
NATO ra đời từ 12 quốc gia thành viên.
Pháp rút khỏi NATO trong hơn 40 năm
Vào năm 1966, một trong những thành viên sáng lập của NATO là Pháp đã rút các cam kết quân sự của mình với tổ chức này. Người đưa ra quyết định trên là Tổng thống Charles de Gaulle, vị tướng nổi tiếng đã giúp giải phóng nước Pháp khỏi Đức Quốc xã.
Mặc dù, Pháp đã đóng một vai trò quan trọng trong những năm đầu của NATO, nhưng de Gaulle đã không hài lòng với vị trí của nước mình trong tổ chức và xung đột với các quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, ông muốn thiết lập nền độc lập quân sự của Pháp.
Mãi đến năm 2009, dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp mới tái gia nhập NATO. Vào thời điểm đó, rất nhiều thứ đã thay đổi: Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, xảy ra sự kiện 11/9 và Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq được vài năm.
NATO kích hoạt Điều 5 lần đầu tiên
NATO đã thiết lập sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong Chiến tranh Lạnh, với Điều 5 kêu gọi phòng thủ tập thể. Tuy nhiên, tổ chức chưa bao giờ chính thức viện dẫn điều khoản này trong Chiến tranh Lạnh.
Trên thực tế, lần đầu tiên NATO viện dẫn Điều 5 là sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 vào Hoa Kỳ năm 2001. Tháng 10 năm đó, NATO đã phát động chiến dịch chống khủng bố đầu tiên, trong đó nhiều quốc gia NATO đã hỗ trợ tuần tra trên không phận Hoa Kỳ.
Các cựu thành viên Hiệp ước Warsaw gia nhập NATO
Sự thống nhất của Đông và Tây Đức và sự tan rã của Liên Xô báo hiệu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Trong ba thập niên tiếp theo, các cựu thành viên của Hiệp ước Warsaw bắt đầu gia nhập NATO.
Đông Đức trở thành đồng minh cũ đầu tiên của Liên Xô tham gia NATO về mặt kỹ thuật khi nước này tái hợp với Tây Đức, vốn đã là một thành viên. Ngoài Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan tham gia vào năm 1999, NATO đã kết nạp các quốc gia thuộc tổ chức Warsaw cũ là Bulgaria, Romania và Slovakia (trước đây là một phần của Tiệp Khắc với Cộng hòa Séc) vào năm 2004. Albania, từng rút khỏi Hiệp ước Warsaw vào năm 1968, đã tham gia NATO năm 2009.
Các quốc gia vùng Baltic, Estonia, Latvia và Litva – là một phần của Liên Xô – cũng gia nhập NATO vào năm 2004. Với sự gia nhập của Phần Lan vào năm 2023, hiện NATO có tất cả 31 thành viên.
Theo History