Tín hiệu lạc quan của kinh tế thế giới
Kinh tế thế giới vượt qua một năm đầy thử thách, song đã chứng tỏ được sự bền bỉ hơn kỳ vọng. Tờ Financial Times (Anh) nhận định, 2023 là một năm vui đối với kinh tế thế giới khi Chỉ số bất ngờ kinh tế toàn cầu của City Group cho thấy các số liệu thực tế trong năm luôn cao hơn dự báo. Các xu hướng kinh tế này là cơ sở để lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2024.
Nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý sau khi liên tiếp hứng chịu các cú sốc do đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tất cả những yếu tố này dẫn tới lạm phát cao kỷ lục và chu kỳ tăng lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các nền kinh tế trên thế giới đã thích nghi tốt hơn kỳ vọng.
Theo chỉ số toàn cầu của Fitch Ratings, trong quý III/2023, tổng sản phẩm quốc nội thế giới cao hơn 9% so với mức trước đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hệ thống hậu cần, châu Âu giảm phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga trong khi lãi suất tăng cao không dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Sức bền này cung cấp một nền tảng vững chắc cho năm mới.
Cuộc chiến chống lạm phát nhiều cam go đã chứng kiến những thành công nhất định khi chỉ số lạm phát đang giảm nhanh. Các cú sốc chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch cũng giảm bớt. Lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao, nhưng là do thị trường việc làm ổn định và tăng trưởng tiền lương nhanh.
Lo ngại về chu kỳ chính sách tiền tệ kiểu “Núi Bàn” (lãi suất tăng cao và duy trì ở mức đỉnh trong thời gian dài, giống như ngọn núi có đỉnh phẳng mang tên Table Mountain tại Cape Town, Nam Phi) dần được xoa dịu. Các ngân hàng trung ương lớn hiện có khả năng sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, sớm hơn so với dự kiến. Đây là tin tốt cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp.
Thế giới cũng chứng kiến sự bùng nổ của thị trường tài chính khi các chỉ số hàng đầu của Phố Wall gần hoặc vượt mức cao kỷ lục trong tháng 12 vừa qua. Thị trường trái phiếu cũng kết thúc năm một cách mạnh mẽ. Cơ hội hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ đã tăng với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái.
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Jared Bernstein cho biết, chi tiêu tiêu dùng cao hơn trong kỳ nghỉ lễ, mức lương thực tế tăng trong 9 tháng qua và niềm tin của người tiêu dùng tăng vọt… báo hiệu sự khởi đầu tốt đẹp của nền kinh tế Mỹ cho năm 2024.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm 2023.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm 2023, cao hơn chút ít so với con số dự báo 2,75% của BDI hồi mùa hè, chủ yếu là nhờ Mỹ tăng trưởng 2,25%. Nhật Bản cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,7%.
Trong số các nền kinh tế mới nổi lớn, Brazil có thể tăng trưởng 3%, Ấn Độ đạt hơn 6% và Nga 2% nhờ thời tiết tốt và mùa màng bội thu ở Brazil và giá dầu tăng… Vương quốc Anh được kỳ vọng sẽ tránh được suy thoái và tăng trưởng ở mức 0,5%.
Mặc dù không phải tất cả các nền kinh tế đều được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt, nhưng nhiều nền kinh tế đang hứa hẹn triển vọng.
Ấn Độ, Mexico và Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư mong muốn tăng đầu tư vào các thị trường này trong năm tới. Quản lý kinh tế thận trọng cũng được áp dụng tại nhiều nước. Các ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang phát triển cũng đi đầu trong việc kiểm soát lạm phát. Đó là những động lực để có thể lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Bất chấp những dấu hiệu lạc quan, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt những rủi ro địa chính trị, trong đó có các cuộc xung đột, có khả năng làm gián đoạn thị trường ngũ cốc và đẩy lạm phát tăng trở lại.
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đứng trước những thách thức trong năm 2024, trong đó liên quan các cuộc tổng tuyển cử và tình trạng nợ công ngày một tăng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sau sự bền bỉ kiên cường vượt qua khó khăn trong năm 2023, vẫn có cơ hội để nền kinh tế thế giới phát triển tốt hơn dự kiến.