Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024, ngày 7/5, tại huyện Tháp Mười, Hội ngành hàng sen Đồng Tháp phối hợp Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô củ sen sang thị trường Nhật Bản.

Đến dự lễ công bố có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười và người dân trồng sen trên địa bàn tỉnh.

Xe container chở 15 tấn củ sen đông lạnh IQF (cấp đông siêu tốc) do Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tổ chức sản xuất đến Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) để xuất sang Nhật Bản, với giá trị gần 1 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu được Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Dự kiến trong năm 2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt sẽ xuất khẩu cho đối tác Nhật Bản khoảng 8 container củ sen, tổng giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu sản xuất củ sen đông lạnh IQF được thu mua từ tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh khác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chế biến củ sen Đồng Tháp
Công nhân sơ chế củ sen tại Nhà máy của Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt (huyện Tháp Mười). Ảnh: Nhựt An – TTXVN.

Giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt Nguyễn Minh Thiện cho biết, hiện nay, ngoài các sản phẩm hạt sen tươi và hạt sen chế biến, công ty còn phát triển thêm các dòng sản phẩm củ sen tươi, củ sen chế biến cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sau nhiều cố gắng, Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt xuất khẩu lô củ sen đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Với việc mở rộng thị trường sẽ là tín hiệu tích cực để nông dân huyện Tháp Mười có thể phát triển thêm mô hình trồng sen lấy củ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội Ngành hàng sen Đồng Tháp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sen ở miền Tây Nam bộ có thể trồng quanh năm.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 3.000 ha trồng sen nhưng đa số trồng để lấy hạt, chỉ có khoảng 200 ha trồng để lấy củ, khá ít so với nhu cầu thực tế bởi tính riêng thị trường Nhật Bản cần khoảng 100.000 tấn củ sen mỗi năm.

Hiện nay, ngoài các lô hàng củ sen xuất khẩu sang Nhật Bản, Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt cũng đang xúc tiến với các đối tác ở Hàn Quốc để chuẩn bị đưa sản phẩm củ sen xuất khẩu sang nước này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tháp Mười, ông Đoàn Thanh Bình, cho biết đây là lô sen xuất khẩu chính ngạch của Đồng Tháp sang thị trường Nhật Bản.

Ông Đoàn Thanh Bình hy vọng thời gian tới, nông sản của Đồng Tháp và đặc biệt là mặt hàng sen sẽ thâm nhập vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp hàng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài thế mạnh về cây lúa, cây ăn quả, Đồng Tháp còn trồng sen với diện tích trên 1.800 ha, sản lượng hơn 1.500 tấn/năm. 

Sen là một trong các ngành hàng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Sen trồng nhiều nhất tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông… Đặc biệt, Tháp Mười là địa phương có diện tích trồng sen chiếm hơn 30% so với tổng diện tích trồng sen của tỉnh Đồng Tháp.

Theo UBND huyện Tháp Mười, thời gian qua, nhằm giúp cho nông dân địa phương tạo ra nguồn nguyên liệu đa dạng từ cây sen để tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp, huyện triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ với diện tích 3ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Bước đầu đã có những thành công nhất định, cung cấp nguồn nguyên liệu củ sen chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đi thị trường nước ngoài. Hiện mô hình trồng sen lấy củ được tiếp tục nhân rộng tại một số khu vực trên địa bàn huyện.

Nối tiếp thành công của Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tổ chức Lễ hội sen lần thứ 2 năm 2024, với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế, thúc đẩy phát triển ngành hàng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Tháp.

Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 16-19/5/2024, là sự kiện quy mô cấp tỉnh có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay trong các kỳ lễ hội (30 hoạt động); trong đó, nổi bật như: hội thảo quốc tế về sen; hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp; công bố lô hàng sen đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản; không gian trưng bày sen quốc tế; hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen; triển lãm ảnh nghệ thuật, tranh và gốm Nam Bộ chủ đề sen Đồng Tháp; vẽ bích họa chủ đề về sen…

 

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022 đã thu hút gần 20.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm trực tiếp tại không gian Lễ hội. Ước tính trong 3 ngày (từ 19 – 21/5/2022) diễn ra Lễ hội Sen, toàn tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 100.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Lễ hội có không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, Có 14 gian hàng với hàng trăm sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao – 4 sao, đặc sản, quà lưu niệm của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp với sự tham gia của 60 doanh nghiệp. Theo thống kê, doanh thu của các doanh nghiệp khá cao, bình quân 7-8 triệu/1 ngày. Riêng doanh nghiệp Khánh Thu doanh số mỗi ngày trên 70 triệu đồng. Có doanh nghiệp mới 20 giờ là không còn hàng để cung cấp (Bích Chi).

Không gian Sen ngoài hồ sen khổng lồ 10.000 chậu còn có hơn 30 giống với số lượng 300 chậu được vận chuyển từ Viện Viện Nghiên cứu rau quả. Đặc biệt, có sự tham gia trưng bày Sen của tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần đặc sắc cho không gian sen tại  Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022.