Vụ án ông Trịnh Văn Quyết: Nhà đầu tư cổ phiếu FLC có được bồi thường?
Để đòi quyền lợi, nhà đầu tư cần có đơn yêu cầu và tài liệu chứng minh việc họ đã mua 5 mã chứng khoán liên quan FLC rồi bị thiệt hại.
Bao nhiêu người đã đầu tư mua cổ phiếu FLC?
Liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 Bộ Công an) đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
C01 xác định, từ tháng 9/2016 đến 3/2022, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống.
Qua đó, các bị can thu được trên 4.800 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong đó, ông Quyết và đồng phạm bị cáo buộc lừa chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng. Ngoài ra, kết luận điều tra nêu các bị can còn thu lời bất chính trên 723 tỷ đồng từ hành vi thao túng 5 mã cổ phiếu.
Theo cơ quan điều tra (CQĐT), trong 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, có 26.379 nhà đầu tư đã bán hết trên 208 triệu cổ phiếu. Còn 4.024 nhà đầu tư đang sở hữu hơn 82,7 triệu cổ phiếu (tổng giá trị tại thời điểm hủy niêm yết là 207,7 tỷ đồng).
Trong số tiền hơn 3.620 tỷ đã chiếm đoạt, ông Quyết chỉ đạo Huế rút 2.398 tỷ để nộp vào tài khoản FLC và 8 công ty trực thuộc cùng tài khoản của hàng loạt người thân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các bị can còn rút hơn 653 tỷ tiền mặt nhưng không rõ mục đích để làm gì.
Còn lại số tiền hơn 1.222 tỷ đồng, C01 xác định đã bị trộn lẫn với số tiền thanh toán được bị can Huế nộp lại vào các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán do Huế quản lý, sử dụng để mua và bán chứng khoán.
Trước khi kết thúc điều tra, C01 đã trưng cầu giám định Bộ Tài chính. Kết quả giám định nêu, pháp luật hình sự chưa có quy định hướng dẫn về xác định việc thu lời bất chính, khoản thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ các hành vi tội phạm về chứng khoản.
Việc xác định thiệt hại do hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể căn cứ vào: Hành vi vi phạm pháp luật thao túng thị trường; giá trị thua lỗ từ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư khi xảy ra hành vi thao túng; kết luận điều tra của cơ quan công an; đơn thư của nhà đầu tư chứng minh bị thiệt hại.
Song, Bộ Tài chính kết luận chưa có căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra đối với 5 mã chứng khoán.
Nhà đầu tư chứng khoán có phải là bị hại?
Theo dõi kết luận điều tra của Bộ Công an, luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này cần phân biệt rõ nhà đầu tư bị thao túng thị trường chứng khoán và bị hại mất tài sản do hành vi lừa chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư, họ đều là bị hại của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, song tên gọi sẽ khác nhau bởi bản chất hành vi khác nhau.
Cụ thể, đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định làm rõ họ là ai, bị lừa như thế nào, thiệt hại của từng nạn nhân ra sao?
“Với tội danh này, chắc chắn có bị hại thì mới đủ yếu tố cấu thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại cũng sẽ được bồi thường căn cứ kết quả điều tra và chứng cứ mà họ cung cấp để chứng minh mình bị chiếm đoạt bao nhiêu”, luật sư Ứng phân tích.
Đối với các cá nhân tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán, theo luật sư, những ai bị mất tiền khi nộp tiền để đầu tư 5 mã chứng khoán liên quan hành vi sai phạm của các bị can, thì sẽ trở thành nhà đầu tư (bị hại).
Việc ông Trịnh Văn Quyết và các bị can bị cáo buộc có nhiều hành vi làm nhiễu loạn thị trường, khiến các nhà đầu tư tin tưởng rồi đầu tư vào 5 mã chứng khoán, luật sư nhìn nhận hậu quả là gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Do đó, chủ thể bị thiệt hại tài sản do hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây ra là các nhà đầu tư đã bỏ tiền để mua 5 mã cổ phiếu. Như vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.
“Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ được cơ quan tố tụng xem xét chấp nhận khi nhà đầu tư có đơn đề nghị kèm những tài liệu, chứng cứ thể hiện họ đã đầu tư và thiệt hại”, luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.
Trường hợp các nhà đầu tư mà không có đơn yêu cầu hoặc không chứng minh được mình đã mua 5 mã chứng khoán rồi bị thiệt hại, cơ quan tố tụng sẽ tịch thu số tiền các bị can thu lời bất chính từ hành vi thao túng thị trường chứng khoán để bổ sung ngân sách Nhà nước.
Cũng theo luật sư, Trịnh Văn Quyết và một số bị can bị đề nghị truy tố về hai tội danh. Do đó, cả nhà đầu tư (của hành vi thao túng thị trường chứng khoán) và bị hại (bị chiếm đoạt tài sản) đều là những người bị thiệt hại tài sản.
Vì vậy, họ đều có quyền lợi được yêu cầu các bị can bồi thường khắc phục hậu quả. Khi đó, tòa án sẽ xem xét giải quyết cho những người này.