tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Người bán trên Shopee bị trừ cả tỷ đồng trong đợt càn quét gian lận

Nhiều người bán hàng trên nền tảng Shopee bị cấn trừ số tiền lớn. Sàn thương mại điện tử cho biết đây là các tài khoản đã lạm dụng mã giảm giá để trục lợi.

Người bán trên Shopee bị trừ cả tỷ đồng trong đợt càn quét gian lận

Từ 27/12, tài khoản của nhiều chủ shop kinh doanh online trên nền tảng Shopee bị cấn trừ số tiền lớn, dao động từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng. Theo thông báo của sàn, những đối tác này đã vi phạm chính sách, cố tình lạm dụng mã giảm giá trong các đợt khuyến mãi, trục lợi bất chính.

Nhiều chủ shop bị trừ tiền khẳng định mình không làm gì vi phạm. Họ kêu oan và yêu cầu Shopee cung cấp bằng chứng.

Tài khoản âm cả tỷ đồng

Gần đây trên các hội nhóm người bán hàng Shopee, xuất hiện hàng loạt bài đăng với hình ảnh số dư hiển thị âm số tiền lớn. Người dùng Ngọc Hải cho biết cửa hàng của mình bị Shopee thông báo trừ 351 triệu đồng vào ngày 27/12. Số tiền còn sẵn trong ví trước đó là 64 triệu đồng. Trên tài khoản hiển thị người dùng đang âm 287 triệu đồng.

Trao đổi với Tri Thức – Z News, ông Đỗ Văn Dũng, một người bán ngành hàng tạp hóa trên Shopee, ngụ tại tỉnh Thái Bình, cho biết mình cũng có hai gian hàng online bị nền tảng khóa và cấn trừ.

Shop online của ông Đỗ Văn Dũng bị Shopee cấn trừ 530 triệu đồng. Ảnh: NVCC.

“Trong đó, một shop bị cấn trừ khoảng 530 triệu đồng. Shop thứ hai vẫn bị họ khóa, không thể kiểm tra số dư. Trong đó vẫn còn mấy chục triệu đồng với cả nghìn đơn đã gửi chưa thanh toán, ước tính tổng khoảng 100 triệu đồng”, ông Dũng nói.

Theo người dùng này, Shopee thông báo khóa tài khoản, trừ tiền với lý do chủ shop vi phạm chính sách, lạm dụng mã giảm giá . Trả lời Tri Thức – ZNews, đại diện nền tảng TMĐT Shopee cho biết lạm dụng ưu đãi được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng, được quy định trong các chính sách của sàn.

“Sau khi kiểm tra, xác minh tính hợp lệ của các đơn hàng theo quy định, Shopee tiến hành biện pháp xử lý, bao gồm cấn trừ từ số dư tài khoản người bán. Con số tương ứng với giá trị ưu đãi mà sàn đã tài trợ cho các đơn liên quan đến hành vi gian lận”, đại diện truyền thông Shopee phản hồi.

Người bán kêu oan

Sau khi nhận được thông báo cấn trừ số tiền lớn, các chủ shop bày tỏ sự bất ngờ. Nhiều người đăng bài trên hội nhóm để tìm kiếm sự hỗ trợ. Ông Đỗ Văn Dũng khẳng định các shop của mình không lạm dụng chính sách nền tảng, cố tình tạo đơn khống hay chuyển đổi ngành hàng để lấy mã giảm giá.

“Việc Shopee khóa cửa hàng, trừ tiền của tôi hoàn toàn không có bằng chứng, gây thiệt hại lớn. Bán hàng tạp hóa lời có 1.000-2.000 đồng mỗi đơn. Họ trừ cả trăm triệu chúng tôi biết sống sao”, ông Dũng nói. Người bán cho biết đã liên hệ cho nền tảng qua hộp thư để yêu cầu kiểm tra, xử lý.

Thông báo giải thích của Shopee gửi đến một shop máy tính, với số tiền vi phạm hơn một tỷ đồng. Ảnh: Xuân Sang.

Về trường hợp cửa hàng của ông Dũng, phóng viên đã làm việc với nền tảng để xác minh sai phạm. Phía Shopee khẳng định người bán này đã có hành vi lạm dụng chính sách ưu đãi và được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, phía sàn TMĐT không chia sẻ sai phạm cụ thể.

Mặc khác, ông Đỗ Văn Dũng cho biết mình thường xuyên bán hàng qua tính năng livestream của Shopee do có nhiều mã giảm giá. Tuy nhiên, trong quá trình phát sóng đã bị nền tảng cảnh cáo, khóa voucher do có một số vi phạm về nội dung. Sau đó, người dùng này mở thêm một gian hàng để điều phối khách hàng cũ sang shop mới.

Ngoài ra, phía người bán bày tỏ sự bức xúc bởi Shopee chỉ trừ tiền, không có giải thích cụ thể về vi phạm. Tuy nhiên, phía sàn TMĐT cho biết họ gửi thông báo cập nhật chính sách từ 26/12, sau đó mới áp dụng. Ngoài ra, người dùng không đồng tình với quyết định có thể liên hệ qua các cổng thông tin để được hỗ trợ.

Không trừ tiền vô cớ

Theo các chuyên gia có kinh nghiệm trong mảng TMĐT, việc Shopee “nặng tay” là bởi nền tảng đã liên tục bị trục lợi số tiền lớn trong thời gian qua.

Cụ thể, sàn này vừa ra mắt Shopee Live, tính năng cạnh tranh với mô hình tương tự của TikTok Shop. Đi kèm với đó là nhiều mã giảm giá lớn để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, những voucher này không thể đến tay người dùng cuối mà bị chủ shop “ăn chặn”.

Các phiên livestream thường có nhiều mã giảm giá hạn mức cao. Ảnh: Xuân Sang.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia mảng kinh doanh online, quản trị viên nhóm người bán hàng có gần 400.000 thành viên, phía chủ shop sẽ tìm người quen hoặc thuê cộng tác viên qua mạng, thu thập mã giảm giá trên phiên livestream, rồi mua hàng ở shop theo hướng dẫn.

“Ví dụ, một món hàng giá gốc 100.000 đồng, sau khi áp mã giảm 40.000 đồng của sàn, giá còn 60.000 đồng. Sau đó, shop đóng hộp trống để gửi đi cho khách đã sắp đặt. Cuối cùng, khi sàn trừ thuế phí khoảng 10.000 đồng, người bán thu lời 30.000 đồng trên mỗi mã giảm giá của sàn”, ông Nguyễn Thanh Tùng, một người chuyên bán phụ kiện trên các sàn TMĐT, chia sẻ “mẹo” các chủ shop online sử dụng để qua mặt nền tảng.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, chủ shop có thể thông đồng với bưu cục vận chuyển, chỉ bấm giao đơn trên hệ thống mà không cần nhận hàng. “Như vậy, phía giao hàng vẫn đạt KPI mà không cần làm việc. Chủ shop ăn tiền chênh lệch. Chỉ có sàn chịu thiệt”, ông Kiên nhận định.

Về việc các shop bị phạt số tiền lớn, ông Tùng cho rằng vẫn có thể tồn tại nhầm lẫn trong quá trình xử lý. Nhưng việc này sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn cho người bán chân chính. Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của Znews, các sàn TMĐT đang làm việc với cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp trục lợi số tiền lớn, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xuân Sang

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích